Cuộc chiến trong cung đình Loạn Bát vương

Hoàng đế ngây ngô

Tấn Vũ Đế sau khi đánh chiếm Đông Ngô, thống nhất Trung Quốc có ý hưởng lạc. Việc triều chính dựa vào hai đại thần Giả SungVệ Quán là hai người từng theo giúp Tư Mã Chiêu cuối thời Tào Nguỵ trước kia[1]. Sau khi Dương thị được lập làm hoàng hậu, Vũ Đế cất nhắc cha Dương hậu là Dương Tuấn làm đại thần.

Tấn Vũ Đế có con cả Tư Mã Trung vốn là người đần độn. Vũ Đế muốn chọn con gái Vệ Quán cho Trung nhưng lại nghe Dương hậu khuyên nên lấy con gái Giả Sung là Giả Nam Phong làm con dâu. Trước khi lấy Giả thị, Trung đã sinh được con trai là Tư Mã Duật, con cung nhân Tạ thị.

Vũ Đế sắp qua đời, lo lắng vì thái tử Trung đần độn. Vệ Quán từng khuyên thay thái tử nhưng Vũ Đế không nghe vì thấy cháu là Duật có tư chất thông minh, hy vọng cháu có thể giúp được con.

Năm 290, Tấn Vũ đế mất, Tư Mã Trung lên thay, tức Tấn Huệ Đế, Giả thị được làm hoàng hậu. Cha của Dương thái hậu (bà này là em họ của mẹ ruột Tư Mã Trung) là Dương Tuấn, tức là ông ngoại của Huệ Đế, làm phụ chính. Huệ Đế lúc đó đã 32 tuổi nhưng vẫn ngờ nghệch. Sử chép lại một số câu chuyện về hoàng đế ngây ngô này. Khi nghe ếch kêu, Huệ Đế hỏi thị thần:

Ếch nó kêu vì việc công hay vì việc tư đấy?

Lúc nghe tin dân bị đói, đến gạo cũng không còn để ăn, Huệ Đế lại buột miệng hỏi:

Dân không có gạo ăn, sao không ăn thịt?

Tư Mã Vĩ, Tư Mã Lượng

Giả hậu hơn Huệ Đế 2 tuổi, thấy vua ngây ngô, muốn đoạt quyền. Nhân các vương họ Tư Mã bất bình vì ngoại thích Dương Tuấn (cha của Dương thái hậu, bà này là em họ của mẹ ruột Tấn Huệ Đế) nắm quyền, Giả hậu bèn cùng Đông An công Tư Mã Do và Nhữ Nam vương Tư Mã Lượng (con thứ tư của Tư Mã Ý, vào hàng chú Tấn Vũ đế, ông Tấn Huệ Đế) bàn mưu kết tội Dương Tuấn chuyên quyền.

Năm 292, Do và Lượng làm binh biến bắt giết cả nhà Dương Tuấn. Dương thái hậu là con Tuấn cũng bị kết tội, bị phế. Vợ Dương Tuấn, mẹ Dương thái hậu là Bàng thị cũng bị hành hình, dù Dương thái hậu nhẫn nhục viết thư xưng làm thần dân để mẹ được tha cũng không kết quả. Sau đó chính Dương thái hậu cũng bị kết tội chết. Huệ đế ngơ ngác ngồi nhìn toàn bộ họ ngoại của mình bị vợ tàn sát.

Giết được Dương Tuấn, Tư Mã Lượng và Tư Mã Do cầm quyền trong triều. Dần dần hai người sinh mâu thuẫn. Lượng sai người gièm pha Do với Giả hậu, Giả hậu bèn cách chức Do. Lượng tiến cử Sở vương Tư Mã Vĩ (con thứ năm của Tấn Vũ Đế, tức là em Huệ đế) cùng lão thần Vệ Quán thay chức của Do.

Sau một thời gian, chính Vĩ lại lấn át quyền của Lượng. Lượng tức giận bàn mưu với Vệ Quán trừ Vĩ, nhưng việc bại lộ. Vĩ nói vu với Giả hậu rằng Quán và Lượng mưu phế Giả hậu. Giả hậu tức giận bèn sai Vĩ vây bắt, giết chết cả nhà Vệ Quán và Tư Mã Lượng.

Sau Giả hậu mới biết Lượng bị vu cáo, lại thấy Vĩ chuyên quyền nên ghét Vĩ, lại thương Lượng và Vệ Quán bị oan. Nghe lời Trương Hoa, Huệ Đế và Giả hậu sai tướng Vương Cung phục binh bắt giết Vĩ tại triều.

Phế Thái tử Tư Mã Duật

Giả Hậu dâm tà, thường bắt con trai ngoài Kinh thành vào cung để tư thông, việc đồn cả ra ngoài nhưng Huệ Đế không hay biết.

Giả Hậu không có con mà Thái tử Duật, con Tạ thị, đã lớn, lại đã sinh được 3 người con trai. Mẹ Giả Hậu, vợ Giả Sung là Quách Hòe khuyên Giả Hậu nuôi Duật làm con để giữ ngôi, nhưng Giả Hậu không nghe. Quách Hòe lại khuyên Giả Hậu lấy con gái lớn của Tư đồ Vương Diễn cho Thái tử Duật để lấy lòng, nhưng Giả hậu lại lấy cô chị xinh đẹp cho em mình Giả Thụy, lấy cô em Vương Huệ Phong xấu xí cho Thái tử Duật. Thái tử biết chuyện nên căm ghét Giả Hậu.

Năm 300, Giả Thụy xui Giả Hậu hại Thái tử bằng cách sai người dụ uống rượu say rồi lừa viết bức thư phản nghịch. Giả Hậu mang thư cho Huệ Đế xem để có cớ bỏ Thái tử. Vua nghe theo, bèn phế Tư Mã Duật, sai mang ra thành Kim Dung an trí, bất chấp lời can ngăn. Mẹ Thái tử là Tạ Phi cũng bị tống giam và tra tấn tới chết.